Dường như viết CV là một công đoạn mà chả có ứng cử viên xin việc nào thích thú cả. Sinh viên mới tốt nghiệp thì không biết đưa những thông tin như thế nào cho phải. Những ai đang muốn nhảy việc thì lại cứ phân vân mình nên thêm gì vào và cắt bớt phần nào trong CV. Bạn đang phải bỏ ra hàng giờ đồng hồ mà không thể viết CV ưng ý? Hãy tham khảo một vài bí quyết giúp bạncó một bản CV mà bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng muốn đọc sau đây nhé.
Những lỗi thường gặp trong CV là gì?
Hầu như nhiều người trong chúng ta sẽ thấy trong CV của người khác là sự luộm thuộm như một bản phát họa chưa hoàn chỉnh. CV của bạn liệu có gặp trường hợp như vậy không? Luộm thuộm ở đây là cách trình bày dòng chữ không được căn chỉnh đúng phông, dẫn đến sự lồi lõm giữa các hàng. Rất nhiều ứng viên đề cập đến việc mình giỏi Microsoft Office trong CV, thế nhưng có lẽ lỗi sai trầm trọng này đã tố cáo khả năng của bạn rồi.
Lỗi tiếp theo thường là ở phần diễn đạt. Nhiều bạn mô tả kinh nghiệm làm việc theo một cách rất chung chung, dường như nếu chúng ta áp dụng CV này ở bất kỳ vị trí nào cũng được và thực tế điều này không mang lại hiệu quả. Điều mà nhà tuyển dụng muốn thấy là sự rõ ràng, quy mô, kết quả công việc của bạn thể hiện qua những con số, thống kê chứ không phải là một câu văn chung chung không hề có lấy một dẫn chứng.
Một lỗi khi viết CV phổ biến khác là trình tự sắp xếp thông tin. Chẳng hạn như khi bạn sắp xếp kinh nghiệm làm việc hay học vấn, hãy liệt kê chúng theo trình tự thời gian từ gần nhất đến xa nhất.
Có cần thiết để tóm tắt tất cả mục tiêu nghề nghiệp trong CV hay không?
Thường thì phần này sẽ phụ thuộc vào kinh nghiệm của mỗi cá nhân. Nếu như bạn cảm thấy thông tin đó là không cần thiết cho vị trí mà mình ứng tuyển thì hãy loại bỏ nó ra. Hoặc nếu bạn đã từng làm rất nhiều công việc trước đây, hãy giới hạn lại một số kinh nghiệm quan trọng hoặc có liên quan nhất thôi. Còn trường hợp nếu bạn là một sinh viên và không có nhiều kinh nghiệm làm việc thì phải làm sao? Có lẽ mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai chính là nơi để bạn chứng tỏ bản thân.
Hãy khoan đừng quan tâm nhiều quá đến vị trí mà bạn đang nộp đơn xin việc, bạn không nhất thiết phải có được vị trí đó. Cái mà bạn nên quan tâm phải là môi trường làm việc, kinh nghiệm nào bạn sẽ học hỏi được nếu mình làm việc tại nơi đó. Tuy nhiên không được viết mục tiêu nghề nghiệp một cách không có suy nghĩ như là bạn muốn làm việc ở một nơi mà môi trường làm việc phải năng động, sang tạo, công việc đó phải giúp bạn áp dụng được hết mọi kiến thức mà bạn được học. Ai cũng muốn như vậy mà, nhà tuyển dụng sẽ nghĩ bạn hết ý tưởng để trình bày vào mục này rồi chăng? Cái mà họ muốn thấy là công việc mà ứng viên đang hướng đến trong tương lai ngắn hạn và dài hạn cơ!
Thương hiệu cho một cá nhân liệu có quan trọng hay không?
Đương nhiên là quan trọng rồi! Không phải chỉ những người nổi tiếng mới cần đến giá trị thương hiệu thôi đâu. Việc xây dựng cho mình một thương hiệu tốt trong mắt người khác sẽ giúp bạn tiết kiệm được nhiều thời gian hơn khi tìm việc làm. Nếu bạn có tiếng là sinh viên 5 tốt hoặc là một nhân viên cần mẫn. Bạn ắt sẽ nhận được nhiều thiện cảm hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
Ai cũng có cho mình những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau phải không nào? Vậy để phát triển điểm mạnh thì bạn phải cho họ thấy bạn tốt ở đâu và bạn sẽ phát huy nó như thế nào. Còn đối với yếu điểm, tìm cách khắc phục nó đi và nói cho họ biết bạn đang khắc phục như thế nào.
Đừng bao giờ nhìn công việc như một chiếc thẻ ATM để rút tiền vào mỗi cuối tháng. Tiền đương nhiên là tốt, nhưng nó không phải là yếu tốt quan trọng nhất khi nhắc đến trong công việc. Tiền là một yếu tố không thể thiếu chứ không phải là tất cả những gì mà chúng ta đang theo đuổi. Bạn phải làm công việc hằng ngày, nên hãy làm việc như cách đang tận hưởng cuộc sống, đi làm không phải là để đợi chờ được tan ca đâu. Hãy cho họ thấy tinh thần làm việc của bạn trong CV nhé!